Các vấn đề liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh lao phổi.

Lên phía trên
Bệnh lao phổi là gì ?
Câu hỏi:

Bác sĩ cho em hỏi bệnh lao phổi là gì ? Có phải là bệnh do di truyền không ?

Trả lời:
Lao phổi là bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi do trực khuẩn lao gây ra. Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp, không phải là bệnh di truyền.

Thủ phạm gây bệnh lao là vi trùng Mycobacterium tuberculosis, hay còn gọi là trực khuẩn Koch. Đây là một loại khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Nó có thể sống vài tuần trong không khí và nước; khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao lại tồn tại đến 2-3 tháng.

Khuẩn lao xâm nhập cơ thể khi ta hít thở không khí ô nhiễm (do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi), khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh, khi dùng đồ ăn thức uống có lao. Có trường hợp vi khuẩn này được ruồi mang đến. Người mang khuẩn lao có thể vẫn khỏe mạnh nếu hệ miễn dịch tốt. Khi hệ miễn dịch suy giảm (như mắc cảm cúm, tiểu đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS...) hoặc uống thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, bệnh lao sẽ phát triển.

Lên phía trên
Dấu hiệu nhận biết bệnh lao phổi
Câu hỏi:

Cách nhận biết người bị mắc bệnh lao phổi ?

Trả lời:
Để nhận biết bệnh lao phổi cần căn cứ vào những đặc điểm như :

- Ho khan hoặc khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, có thể khạc đờm lẫm máu.

- Cảm giác mỏi mệt toàn thân, chán ăn, sụt cân trong những tháng đầu.

- Sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm về đêm.

- Cảm thấy khó thở, tức ngực, có khi ho ra máu.

Nếu thấy ho khạc kéo dài trên ba tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đờm tại bệnh viện ngay.

Lên phía trên
Bệnh lao lây như thế nào?
Câu hỏi:

Bệnh lao lây như thế nào?

Trả lời:

- Khi bệnh nhân lao phổi nói, nhất là khi ho hoặc hắt hơi, họ sẽ bắn ra chung quanh muôn ngàn những hạt đàm nhỏ, trong các hạt đều có chứa một số vi trùng lao: đó là các hạt nhỏ gây nhiễm. Số lượng các hạt nhỏ bắn ra chung quanh bệnh nhân rất lớn khi bệnh nhân ho (3500) hoặc hắt hơi (1.000.000). Khi tiếp xúc với không khí, bề mặt những hạt nhỏ này sẽ khô dần đi và trở thành những hạt rất nhẹ luôn chứa vi trùng lao còn sống lơ lửng trong không khí một thời gian. Ở nơi tù hãm, những hạt này còn lơ lửng trong không khí lâu hơn nữa và các vi trùng có thể sống nhiều giờ trong bóng tối.

- Ánh sáng trực tiếp của mặt trời tiêu hủy vi trùng lao nhanh chóng. Do đó làm thông thoáng và phơi sáng nơi bệnh nhân lao sống có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người sống tiếp xúc với họ.

- Như vậy những người sống gần hay ngủ gần bệnh nhân sẽ có nguy cơ hít phải những hạt nhỏ gây nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm càng cao khi sự tiếp xúc càng mật thiết vì liên quan đến mật độ vi trùng trong không khí. Như vậy hai yếu tố chủ yếu xác định nguy cơ lây truyền vi trùng lao cho người lành là: nồng độ những hạt nhỏ gây nhiễm lơ lửng trong không khí, và thời gian mà người đó hít thở không khí này. Ta dễ dàng hiểu rằng một tỷ lệ lớn trẻ em sống gần nguồn lây sẽ bị nhiễm lao. Con nhỏ của một bà mẹ đang ho ra vi trùng có nguy cơ bị lây nhiều nhất.

- Bệnh nhân có vi trùng dương tính qua soi trực tiếp (nhìn thấy được bằng kính hiển vi) thì lây nhiều hơn vì họ khạc ra nhiều vi trùng hơn so với những người có vi trùng chỉ phát hiện bằng nuôi cấy.


Lên phía trên
Ai dễ mắc lao?
Câu hỏi:

Ai dễ mắc lao?

Trả lời:

- Người sống chung với bệnh nhân lao phổi có vi trùng trong đàm, đặc biệt là trẻ em và thanh niên

- Người nhiễm HIV/AIDS

- Người suy dinh dưỡng, đái tháo đường, người nghiện, người dùng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài: corticoid

- Người vô gia cư, quản giáo, can phạm sống trong trại giam.


Lên phía trên
Làm gì khi nghi ngờ bị mắc lao?
Câu hỏi:

Làm gì khi nghi ngờ bị mắc lao?

Trả lời:
Khi có những triệu chứng như nêu trên hãy nghĩ đến bệnh lao, và hãy đến ngay các Tổ Lao quận huyện, các cơ sở y-tế khám bệnh, để được bác sĩ chuyên khoa lao khám bệnh, chụp hình phổi và quan trọng nhất là tìm vi trùng lao trong đàm. Tại đó, bệnh nhân sẽ được thử 3 mẫu đàm: mẫu 1 lấy tại chỗ lần khám 1, mẫu 2 lấy tại nhà và mẫu 3 lấy tại chỗ lần khám 2 vào ngày hôm sau. Bệnh nhân cần chú ý khạc đàm sâu đúng kỹ thuật, không lấy nước bọt hoặc nước mũi. Nếu tìm thấy vi trùng lao trong đàm, người có những triệu chứng trên đã mắc lao phổi. Nếu không tìm thấy vi trùng lao, Bác sĩ chuyên khoa lao sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân những điều cần thiết tiếp theo.
Lên phía trên
Làm thế nào để trị dứt bệnh lao?
Câu hỏi:

Làm thế nào để điều trị dứt điểm bệnh lao?

Trả lời:
- Lao là bệnh có thể điều trị khỏi. Bệnh nhân phải được bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi được chẩn đoán, đặc biệt là những người lao phổi M(+), tức là người có vi trùng nhìn thấy trực tiếp trong đàm. Tuy nhiên, điều trị lao đòi hỏi thời gian dài, bệnh nhân cần phải hiểu và tuân theo những nguyên tắc điều trị: dùng thuốc đúng liều, đều đặn, đủ thời gian.

- Tại sao?

Vì trong cơ thể người mắc bệnh lao có nhiều dân số trực khuẩn lao khác nhau:

·       Nhóm trực khuẩn đang hoạt động và sinh sản: loại này có nhiều trong các hang lao, tức là các lỗ lủng trong phổi theo cách nói thông thường. Nhóm này dễ bị thuốc kháng lao tiêu diệt.

·       Nhóm sinh sản chậm nằm trong các đại thực bào, khó bị tiêu diệt hơn.

·       Nhóm ngủ yên, sinh sản cực kỳ chậm, nằm rải rác trong các mô cơ thể. Các vi khuẩn trong nhóm này không sinh sản nhưng vẫn sống. Khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu đi chúng sẽ hoạt động trở lại. Nhóm này rất khó bị tiêu diệt.

Mặt khác vi khuẩn lao có đặc điểm là có một số vi khuẩn tự nhiên có khả năng chống lại được thuốc kháng lao, gọi là kháng thuốc (lờn thuốc). Số vi khuẩn càng đông càng có khả năng có nhiều vi khuẩn kháng thuốc.

- Do đó muốn trị dứt bệnh lao cần phải:

·        Tiêu diệt được tất cả các dân số vi trùng lao

·        Không cho có hiện tượng kháng thuốc xảy ra

- Vì thế, việc điều trị lao được dựa trên các nguyên tắc sau:

·        Phối hợp cùng lúc nhiều thuốc chống lao để tránh xuất hiện các vi khuẩn kháng thuốc. Trong giai đoạn tấn công phải phối hợp 3-4 thứ thuốc, giai đoạn duy trì phối hợp 2-3 thứ thuốc.

·        Dùng thuốc đúng liều: liều thấp sẽ không hiệu quả dễ sinh ra vi trùng kháng thuốc, dùng liều cao dễ gây tai biến

·        Dùng thuốc đều đặn: các thuốc kháng lao phải tiêm và uống cùng lúc và cố định giờ trong ngày để thuốc có thể đạt đỉnh cao trong máu. Thuốc phải uống xa bữa ăn để hấp thụ vào máu tối đa.

·        Dùng thuốc đủ thời gian để tránh tái phát: hiện nay điều trị lao gồm hai giai đoạn:

                 + Tấn công: kéo dài từ 2-3 tháng, mục đích là làm giảm nhanh số lượng vi trùng kể cả những vi trùng đang ngủ, để ngăn chận đột biến kháng thuốc

                 + Duy trì: kéo dài 4-6 tháng, mục đích là tiêu diệt toàn bộ các vi trùng còn sót lại để tránh tái phát.

Thực hiện đúng những nguyên tắc trên, bệnh lao sẽ được trị dứt dễ dàng. Không giữ đúng nguyên tắc, uống thuốc không đúng liều, không đều, không đủ thời gian, bệnh không thể chữa khỏi. Bệnh nhân có thể tử vong, bệnh trở thành mạn tính và lây sang cho nhiều người khác và khi đó đúng là một chứng nan y!

Lên phía trên
Những biến chứng của bệnh lao nếu không được điều trị?
Câu hỏi:

Bệnh lao phổi nếu không được phát hiện điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm gì?

Trả lời:
Bệnh lao phổi có nhiều biến chứng. Biến chứng có thể xuất hiện như bệnh cảnh lâm sàng mở đầu, nghĩa là có biến chứng rồi mới phát hiện ra bệnh, hoặc xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh. Các biến chứng hay gặp là:

1. Ho ra máu: có thể ít, vừa hay nhiều. Ho ra máu sét đánh, do bệnh lao làm hoại tử thành của một động mạch, là biến chứng gây tử vong trong vòng vài phút.

2. Tràn khí màng phổi: do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi, là biến chứng nặng. Vi trùng lao từ hang lao nhiễm vào màng phổi và gây ra tràn mủ - tràn khí màng phổi. Điều trị khó khăn, vừa điều trị lao, vừa phải đặt ống dẫn lưu màng phổi.

3. Tràn dịch màng phổi: do tiếp cận với một ổ lao phổi đang tiến triển
Biến chứng có thể xảy ra sau khi bệnh lao đã được chữa khỏi tạo thành các di chứng của bệnh lao phổi:

4. Dãn phế quản: có triệu chứng ho đàm và ho ra máu. Không nên lầm lẫn là bệnh tái phát. Chỉ khi tìm thấy vi trùng lao mới là tái phát.

5. Suy hô hấp mãn: khi có di chứng lan rộng làm phổi mất chức năng.

6. Tràn khí màng phổi: do vỡ một bóng khí. Tràn khí này không đi kèm theo nhiễm trùng màng phổi.

7. U nấm phổi: do vi nấm Aspergillus fumigatus sinh sôi trong một hang lao cũ trong phổi. Điều trị bằng phẫu thuật.

Lên phía trên
Người bệnh lao sẽ được điều trị như thế nào?
Câu hỏi:

Điều trị bệnh lao như thế nào ?

Trả lời:
Sau khi được chẩn đoán là mắc lao, bệnh nhân sẽ được thu dung điều trị trong khuôn khổ Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) tại các Tổ lao Quận Huyện nơi bệnh nhân cư trú. Bệnh nhân được điều trị theo phương pháp DOTS. Tất cả thuốc chống lao của CTCLQG được cấp miễn phí cho bệnh nhân.

Từ năm 1994, Tổ chức Y-tế thế giới đã khuyến cáo một chiến lược chống lao có tên gọi là DOTS (Directly Observed Treatment, Short - course) có nghĩa là "Điều trị hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp". Chiến lược của CTCLQG hiện nay là áp dụng khuyến cáo này.

Mục đích của DOTS là:

- Điều trị khỏi cho bệnh nhân

- Rút ngắn thời gian lan truyền của bệnh

- Tránh kháng thuốc
 

Nội dung:

- Trực tiếp giám sát việc dùng từng liều thuốc của bệnh nhân, đảm bảo bệnh nhân dùng đúng loại thuốc, đúng liều, đều đặn và đủ thời gian. Việc giám sát sẽ được thực hiện tại các Tổ Lao Quận Huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế phường xã. Thân nhân bệnh nhân cũng có trách nhiệm tham gia nhắc nhở bệnh nhân.

- Giai đoạn tấn công: ít nhất 4 loại thuốc chính S, H, R, Z với thời gian 2-3 tháng

- Giai đoạn duy trì: ít nhất 2 loại thuốc, thời gian 4-6 tháng.

 

Lên phía trên
Làm thế nào để phòng tránh bệnh lao?
Câu hỏi:

Làm thế nào để phòng tránh bệnh lao?

Trả lời:
- Khi có nghi ngờ mắc bệnh lao cần phải đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được khám XN phát hiện sớm. Cần điều trị bệnh lao theo 4 nguyên tắc (phối hợp các loại thuốc, đúng liều, đều đặn, đủ thời gian).
 
- Tiêm phòng BCG cho trẻ sơ sinh và <1 tháng tuổi.
 
- Giữ vệ sinh môi trường : Ở thông thoáng, khạc đờm đúng cách, thường xuyên phơi nắng : chiếu, chăn, màn...
 
- Người bệnh lao phổi AFB+ : Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với trẻ< 5t và người cao tuổi. Ở phòng riêng, thông thoáng khí. Ho khạc, gom đờm đúng cách.
 

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 409
  • Khách viếng thăm: 408
  • Thành viên online: 1
  • Hôm nay: 28593
  • Tháng hiện tại: 2051907
  • Tổng lượt truy cập: 46243622