Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) được xếp vào hàng thứ 6/10 các bệnh thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tỷ lệ mắc COPD ở mức độ trung bình và nặng của người Việt Nam trên 35 tuổi là 6.7% cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. COPD được coi là "sát thủ vô hình" đối với con người bởi diễn biến âm thầm nhưng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Hen phế quản và COPD là những bệnh có thể dự phòng và điều trị được. COPD có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đợt cấp và giảm tử vong. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm để được khám bệnh, đo Hô hấp ký, tham gia chương trình phối hợp điều trị COPD bao gồm phòng tránh các yếu tố nguy cơ trong đó có cai thuốc lá, tiêm ngừa cúm, tiêm ngừa viêm phổi, sử dụng các thuốc giãn vế quản và các phương pháp phục hồi chức năng hô hấp.
Nhằm hưởng ứng ngày phòng chống bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính toàn cầu năm 2016 với chủ đề "Thấu hiểu từng hơi thở", trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án phòng chống COPD và Hen phế quản, ngày 16/11/2016 Bệnh viện Phổi Hà Nội tổ chức khám và tư vấn miễn phí cho người dân các tỉnh phía Bắc. Đối tượng đăng ký để được khám tầm soát miễn phí (không phải trả bất cứ chi phí nào), phát hiện sớm COPD, Hen phế quản là những người trên 40 tuổi có ít nhất một trong 7 yếu tố nguy cơ sau:
- Người hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm
- Người trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm
- Người phải tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp
- Người có dấu hiệu khó thở nặng dần theo thời gian
- Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm hoặc hay mắc viêm phế quản
- Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng.
- Bản thân hoặc gia đình có người mắc hen phế quản.
Đối tượng tới khám sẽ được các bác sỹ của Bệnh viện Phổi Hà Nội khám lâm sàng, đo chức năng thông khí và tư vấn các biện pháp điều trị.
Dưới đây là một số hình ảnh của Chương trình:
Ý kiến bạn đọc