NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LAO TIỀM ẨN. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN LAO TIỀM ẨN TẠI BỆNH VIỆN PHỔI HÀ NỘI
Đăng lúc: Thứ năm - 20/03/2025 15:14
- Người đăng bài viết: Nguyễn Công Mạnh
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LAO TIỀM ẨN. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN LAO TIỀM ẨN TẠI BỆNH VIỆN PHỔI HÀ NỘI
1. Thế nào là nhiễm lao tiềm ẩn: Lao tiềm ẩn là tình trạng một người bị nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhưng người đó không có bằng chứng biểu hiện của bệnh lao và không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, người bị lao tiềm ẩn sẽ có nguy cơ chuyển thành mắc bệnh lao và trở thành nguồn lây nhiễm cho những người xung quanh. Những người có nguy cơ cao lao tiểm ẩn là: - Người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi - Người lớn hoặc trẻ em sống chung gia đình với bệnh nhân lao phổi - Nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở khám bệnh hoặc điều trị bệnh nhân lao - Cán bộ quản giáo, nhân viên làm việc tại các trại giam, trại giáo dưỡng,… - Người mắc các bệnh mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường), các bệnh hoặc dùng các thuốc làm suy giảm miễn dịch (HIV, bệnh bụi phổi, suy thận, chạy thận nhân tạo, lupus, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến…) - Người vô gia cư, sử dụng ma túy. - Người đến từ các vùng có dịch tễ lưu hành bệnh lao cao.
2. Lao tiềm ẩn có lây không? Người mắc lao tiềm ẩn không thể lây sang người khác. Vì vi khuẩn trong cơ thể đã bị bất hoạt, không thể sinh sôi. Lượng vi khuẩn có ít không thể lan truyền ra ngoài không khí. Đây cũng là một trong những điều kiện để xác định người mắc lao tiềm ẩn. Tuy nhiên, người mắc lao tiềm ẩn có nguy cơ mắc bệnh lao, nếu hệ miễn dịch bị suy giảm. Ước tính khoảng 5 – 10% những người nhiễm lao tiềm ẩn sẽ chuyển thành mắc bệnh lao trong suốt cuộc đời họ, thường trong 5 năm đầu tiên sau khi chẩn đoán nhiễm lao tiềm ẩn. Do đó, nếu người mắc lao tiềm ẩn trở thành lao hoạt tính. Lúc này, người đó sẽ có khả năng lây bệnh cho người khác. Vì vậy, người mắc lao tiềm ẩn nên được điều trị dự phòng nhằm phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lao.
3. Tiêm vắc – xin BCG có dự phòng được Lao tiềm ẩn? Những người đã tiêm vắc-xin phòng ngừa lao vẫn có khả năng nhiễm lao tiềm ẩn. Vì vắc-xin chủng ngừa lao BCG là vắc-xin bảo vệ trẻ nhỏ phòng tránh phơi nhiễm lao, hoặc dự phòng mắc các thể lao nặng (lao kê, lao não, màng não) và có tác dụng khoảng 1 năm. Ở người lớn, vắc-xin BCG không phòng tránh được việc nhiễm lao tiềm ẩn
4. Những kỹ thuật chẩn đoán Lao tiềm ẩn tại Bệnh viện Phổi Hà Nội Chẩn đoán lao tiềm ẩn dựa trên 2 yếu tố: Xét nghiệm Mantoux hoặc IGRA dương tính và loại trừ được mắc lao hoạt động qua khám lâm sàng, xét nghiệm đờm hoặc dấu hiệu bất thường ở các cơ quan ngoài phổi. Kỹ thuật tiêm Matoux hoặc IGRA thực hiện ở nhóm trẻ em > 5 tuổi và người tiếp xúc, người nguy cơ cao khác trừ người HIV (+) - Kỹ thuật tiêm Mantoux (Kỹ thuật TST): Được thực hiện bằng cách tiêm một lượng nhỏ sinh phẩm Turberculin PPD – RT 23 vào trong da. Phản ứng sẽ xảy ra 48 – 72h sau khi tiêm, giúp phát hiện tình trạng nhiễm lao trong cơ thể. Do đó người thử nên quay lại đúng hẹn sau 48 – 72h để đọc kết quả. Kỹ thuật được thực hiện miễn phí bởi các kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm tại khoa Vi sinh – Bệnh viện Phổi Hà Nội. Sinh phẩm Turberculin PPD – RT 23 do Chương trình chống lao Quốc gia phân phối - Xét nghiệm đinh lượng Interferon gamma: Xét nghiệm IGRA (Interferon-Gamma Release Assay) xét nghiệm tình trạng nhiễm lao dựa vào việc định lượng nồng độ IFN-γ trong máu ngoại vi sau khi kích hoạt bởi kháng nguyên đặc hiệu vi khuẩn lao là ESAT-6, CFP-10. Người bệnh cần cung cấp một mẫu máu khoảng 4ml, và chỉ cần tới bệnh viện 1 lần để thực hiện xét nghiệm. Kết quả được phiên giải sau 24 - 28h tiếng. Xét nghiệm IGRA cho kết quả với độ nhạy 76-98% và độ đặc hiệu 96 – 98% và không có phản ứng chéo với BCG, không phản ứng với kháng nguyên của Nontuberculous Mycobacteria, theo dõi được diễn biến của hệ miễn dịch và đánh giá sơ bộ các bội nhiễm khác ngoài lao Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo xét nghiệm Mantoux hoặc IGRA đều có thể được sử dụng để xác định lao tiềm ẩn.
5. Các phác đồ điều trị lao tiềm ẩn đang được sử dụng: - Phác đồ 6H: Điều trị hằng ngày bằng Izoniazid (H) trong 06 tháng. Phác đồ này áp dụng đối với cả người lớn, vị thành niên và trẻ dưới 10 tuổi. Nên uống H lúc đói để thuốc hấp thụ tốt hơn • Chống chỉ định: Người bệnh có tiền sử dị ứng với INH (ví dụ: tiền sử bị sốt, phát ban hoặc viêm gan do điều trị bằng INH) hoặc quá mẫn nặng khi dùng phác đồ có INH (ví dụ: tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, co thắt phế quản nặng). • Người có tiền sử tiếp xúc với người mắc bệnh lao nghi ngờ hoặc khẳng định kháng isoniazide. • Viêm gan tiến triển, xơ gan, nghiện rượu nặng: người bệnh có các triệu chứng lâm sàng của viêm gan (mệt mỏi, biếng ăn, nước tiểu sẫm mầu, đau bụng, nôn, buồn nôn, vàng da) và/hoặc có tăng men gan ALT từ trên 05 lần chỉ số bình thường • Bệnh lý thần kinh ngoại biên: người bệnh có cảm giác kim châm, tê bì, yếu chi hoặc có cảm giác đau bỏng rát ở các chi. Trì hoãn điều trị dự phòng INH cho đến khi người bệnh được điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên ổn định - Phác đồ 3HP: Điều trị hằng tuần bằng Izoniazid (H) và Rifapentine (P) trong thời gian 12 tuần (12 liều) cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Nồng độ đỉnh của Rifapentine tăng khi uống cùng thức ăn. Chống chỉ định: • Trẻ em dưới 02 tuổi. • Người có tiền sử dị ứng với INH hoặc Rifapentine (ví dụ: tiền sử bị sốt, phát ban hoặc viêm gan) hoặc quá mẫn nặng khi dùng phác đồ có INH và Rifapentine (ví dụ: tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, co thắt phế quản nặng). • Người có tiền sử tiếp xúc với người mắc bệnh lao nghi ngờ hoặc khẳng định kháng Rifampicin hoặc Isoniazide. • Phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai trong thời gian điều trị. • Bệnh gan cấp hoặc mạn tính có tăng men gan hoặc có bằng chứng rối loạn chức năng gan như vàng da,v.v... hoặc có tiền sử tổn thương gan do Rifampicin hoặc Rifapentine hoặc Isoniazid. • Viêm đa dây thần kinh. - Phác đồ 1HP: điều trị hằng ngày bằng isoniazid (H) và rifapentine (P) trong thời gian 01 tháng (28 liều thuốc) cho người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, ưu tiên dùng trong thời gian ngắn như bệnh nhân tại trại giam, hoặc người chuẩn bị ghép tạng - Phác đồ 3RH: Điều trị hằng ngày bằng isoniazid (H) và rifampicin (R) trong thời gian 3 tháng cho người lớn, vị thành niên và trẻ em. Sử dụng an toàn cho phụ nữ mang thai. Chống chỉ định: • Người có tiền sử dị ứng với INH hoặc Rifampicin (ví dụ: tiền sử bị sốt, phát ban hoặc viêm gan) hoặc quá mẫn nặng khi dùng phác đồ có INH và Rifampicin (ví dụ: tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, co thắt phế quản nặng). • Người có tiền sử tiếp xúc với người mắc bệnh lao nghi ngờ hoặc khẳng định kháng Rifampicin hoặc Isoniazid. • Bệnh gan cấp hoặc mạn tính có tăng men gan hoặc có bằng chứng rối loạn chức năng gan như vàng da,v.v… hoặc có tiền sử tổn thương gan do Rifampicin hoặc Isoniazid. • Rối loạn chuyển hóa porphyrin. • Viêm đa dây thần kinh. - Phác đồ 4R: Điều trị hằng ngày bằng rifampicin (R) trong thời gian 04 tháng cho người lớn, vị thành niên và trẻ em tiếp xúc với người bệnh mắc lao kháng Isoniazid. Chống chỉ định: • Người có tiền sử dị ứng với Rifampicin (ví dụ: tiền sử bị sốt, phát ban hoặc viêm gan) hoặc quá mẫn nặng khi dùng phác đồ có Rifampicin (ví dụ:tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, co thắt phế quản nặng). • Người có tiền sử tiếp xúc với người mắc bệnh lao nghi ngờ hoặc khẳng định kháng Rifampicin. • Bệnh gan cấp hoặc mạn tính có tăng men gan hoặc có bằng chứng rối loạn chức năng gan như vàng da… hoặc có tiền sử tổn thương gan do Rifampicin. • Rối loạn chuyển hóa porphyrin. - Phác đồ 6L điều trị hằng ngày bằng Levofloxacin (L) trong thời gian 06 tháng cho người tiếp xúc hộ gia đình bệnh nhân lao kháng đa thuốc có nguy cơ cao nhiễm và mắc bệnh lao. Cần giám sát chặt chẽ liệu trình điều trị lao tiềm ẩn ở những người tiếp xúc hộ gia đình bệnh nhân lao kháng đa thuốc về tuân thủ điều trị cũng như các tác dụng phụ để đảm bảo điều trị đạt hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc