Phẫu thuật tim hở ít xâm lấn: Các dụng cụ phẫu thuật được đưa qua đường mở ngực bên phải 5-8cm, thao tác phẫu thuật thực hiện dưới sự trợ giúp của máy nội soi.
Kỹ thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam do các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống, Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức thực hiện
Kỹ thuật vẫn bảo tồn nguyên vẹn chức năng vận động của cột sống do đĩa đệm nhân tạo được thiết kế gần giống như đĩa đệm thật của con người. Nhờ vậy, sau mổ, bệnh nhân vẫn cử động vùng thắt lưng bình thường mà không bị cứng, hạn chế. Hơn thế nữa, do đĩa đệm nhân tạo có chức năng sinh lý như đĩa đệm thật nên nó sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương các đĩa đệm liền kề khi so sánh với phương pháp làm cứng cột sống kinh điển. Kỹ thuật mới này không những giúp BN thoát khỏi tình trạng đau đớn mà còn duy trì được cử động và tính mềm dẻo của cột sống, giúp BN trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Sau hơn 2 tháng triển khai (bắt đầu từ cuối tháng 10/2013) đã có 11 bệnh nhân được ứng dụng kỹ thuật này.
Dùng đại tràng thay thế thực quản cho bệnh nhi 19 tháng tuổi tại BV Trung ương Huế
Bệnh nhi teo thực quản týp III, không thể ăn đường miệng được mà phải ăn qua sonde dạ dày (đã phẫu thuật đóng rò khí phế quản, mở thông dạ dày nuôi dưỡng trước đây). Các bác sĩ quyết định: tạo hình thay thế thực quản bằng đại tràng theo đường sau xương ức. Đây là ca mổ phức tạp, biến chứng cao, thực hiện với nhiều giai đoạn khác nhau. 7 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi đã uống được nước đường, chụp TOGD thấy đoạn thực quản thay thế lưu thông tốt, không bị rò. BV Trung ương Huế là nơi đầu tiên khu vực miền Trung - Tây Nguyên thực hiện được kỹ thuật này.
Ca vỡ eo động mạch chủ (ĐMC) đầu tiên được can thiệp tại Việt Nam do các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực BV Việt Đức thực hiện
Bệnh nhân 19 tuổi, vỡ eo ĐMC trong một tai nạn xe máy. Đó là tình huống tối cấp cứu quá nặng và hiếm gặp, hầu hết các ca bệnh đều tử vong do không phẫu thuật kịp. Nếu tiến hành phẫu thuật thì cũng vô cùng khó khăn, khả năng sống được là rất nhỏ vì eo ĐMC là vùng rất khó tiếp cận để xử lý các thương tổn. Hơn nữa, làm trong điều kiện cấp cứu chảy máu dữ dội; nếu kẹp được mạch để xử lý thương tổn thì cũng gây tổn thương não và các tạng khác trong cơ thể. Các bác sĩ đã quyết định chọn phương án can thiệp đặt Stent Graft để cứu BN vì hạn chế được nguy cơ rủi ro, do thủ thuật đơn giản hơn nhiều, người bệnh hầu như không bị mất máu trong quá trình can thiệp, không gây biến chứng các cơ quan (nhất là BN đang trong tình trạng bị giập não). Sau ca cấp cứu BN vỡ ĐMC ngực kèm đa chấn thương bằng Stent Graft vào cuối tháng 2/2013 tại BV Việt Đức, đây là ca vỡ ĐMC ngực thứ 2 và là ca vỡ eo ĐMC đầu tiên tại Việt Nam được các bác sĩ cứu sống bằng phương pháp can thiệp tim mạch.
Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 (Y-90)
Kỹ thuật này lần đầu tiên đã được ứng dụng thành công ở Việt Nam tại 2 bệnh viện: BV Bạch Mai và BV TWQĐ 108 cho 3 bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối không còn chỉ định phẫu thuật. Thông thường, 90% máu nuôi các khối ung thư gan là được cấp từ động mạch gan; trong khi tổ chức gan lành chỉ có 10% từ động mạch gan. Với phương pháp mới, người ta đặt một catheter qua động mạch đùi vào động mạch gan, chọn nhánh động mạch nuôi khối u gan; sau đó bơm hạt vi cầu phóng xạ Y-90 trong dung dịch natriclorua 0,9% vào động mạch nuôi u gan theo liều lượng đã tính. Như vậy, nhờ các vi cầu phóng xạ được đưa trực tiếp và chọn lọc vào trong lòng khối ung thư gan nên chúng bị nhận liều bức xạ cao nhất nhưng lại giảm thiểu ở mức thấp nhất tại các cơ quan lân cận xung quanh khối u. Vì vậy, hiệu quả tiêu diệt khối u cao, chọn lọc và các tế bào lành xung quanh được bảo vệ tối ưu nhất. Kỹ thuật an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống thêm, tăng chất lượng cuộc sống cho các BN ung thư gan nguyên phát hoặc thứ phát hoặc không còn chỉ định phẫu thuật. Đây là kỹ thuật khó, hiện chỉ có một số ít nước tiến hành được kỹ thuật này do phải phối hợp nhiều chuyên khoa: ung bướu, y học hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức và hệ thống thiết bị máy móc hiện đại.
Cứu sống trẻ sơ sinh thoát vị hoành có nhiều biến chứng nguy hiểm nhất từ trước tới nay
Ca thoát vị hoành sơ sinh với rất nhiều biến chứng nặng: thiếu ôxy trầm trọng gây suy hô hấp, suy tim, chảy máu phổi 3 lần, suy thận, tràn dịch màng phổi, nhiễm khuẩn sau sinh... đã được các bác sĩ BV đa khoa quốc tế (ĐKQT) Vinmec cứu sống thành công. Ca mổ được thực hiện ngay tại Phòng Hồi sức sơ sinh của BV do GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc BV ĐKQT Vinmec làm trưởng kíp. Ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhi suy thận, phải lọc máu liên tục trong 4 ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhi cũng được áp dụng tất cả các phương tiện hiện đại nhất trên thế giới trong điều trị sơ sinh như máy cao tần HFO, SIMV, các loại thuốc đặc biệt như 4 thuốc vận mạch, thuốc điều trị tăng áp lực động mạch phổi, đặc biệt là khí NO vừa mới được sử dụng tại Việt Nam. 10 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi đã rút máy thở, tỉnh táo, phản xạ tốt, ăn tốt. GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ông đã từng mổ trên 300 ca thoát vị hoành nhưng đây là lần đầu tiên gặp ca thoát vị hoành nặng như vậy.
phẫu thuật, hỗ trợ, lợi ích, xu thế, thế giới, can thiệp, tối thiểu, trung tâm, thực hiện, trường hợp
Ý kiến bạn đọc