Những đột phá trong y học
Miễn dịch trị liệu ung thư là liệu pháp sử dụng cơ chế miễn nhiễm của cơ thể chống lại khối u. Miễn dịch trị liệu là kích hoạt và làm tăng số lượng của các tế bào miễn dịch của cơ thể gọi là macrophage và tế bào “sát thủ tự nhiên”, hai nhân tố đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể chống lại căn bệnh ung thư.
Liệu pháp miễn dịch này chỉ có tác dụng trên một số ít bệnh nhân và một số loại ung thư, bao gồm u hắc tố (một loại ung thư da) và bệnh bạch cầu (ung thư máu), nhưng các chuyên gia tin rằng nó có triển vọng hết sức to lớn. Một trong những câu chuyện thành công này là cô bé Emily Whitehead, hiện được 8 tuổi. Năm ngoái, cô bé là bệnh nhi đầu tiên được nhận liệu pháp thử nghiệm để điều trị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp (ALL). Emily đã từng cận kề cái chết và sau hai đợt tái phát thì các bác sĩ thừa nhận họ không còn cách nào. Hy vọng đã lóe lên khi gia đình bé biết về liệu pháp tế bào T đang được thử nghiệm và quyết định thử. “Cách điều trị này là phép màu với Emily và với tất cả những gia đình có người bị bệnh này”, mẹ bé nói.
Chỉnh lỗi gen di truyền
Vào tháng 1 năm nay, hai nhóm nghiên cứu công bố một phương pháp nhanh và chính xác để chỉnh sửa những mẩu thông tin trên mã di truyền. Đó là hệ thống CRISPR tận dụng lợi thế của một chiến lược phòng thủ do vi khuẩn sử dụng. Theo đó, vi khuẩn dùng ARN để xác định ADN ngoại lai và các enzym đóng vai trò cắt đứt nó. Các nhà khoa học điều chỉnh lại hệ thống này để ARN tìm kiếm đoạn mã cụ thể trên ADN, chẳng hạn như đột biến gây bệnh và các enzym sẽ sắp xếp lại mã gen di truyền để chỉnh lỗi đột biến.
Chiến lược trên đã thu hút sự tham gia của nhiều công ty khởi nghiệp và tất nhiên kèm theo khoản đầu tư khổng lồ. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để biết được liệu pháp gen lần này sẽ mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn hay không.
Tiến bộ trong nuôi cấy các cơ quan “mini” của người trong phòng thí nghiệm
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature do các nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học phân tử Vienna (Áo) và Hội đồng Nghiên cứu y học Edinburgh (Scotland) thực hiện. Bộ não mini có kích thước từ 3- 4mm, tương đương một bào thai 9 tuần tuổi với cấu trúc ba chiều phức tạp gồm cả vỏ não và các dây thần kinh.
Để tạo nên bộ não này, nhóm nghiên cứu phải thực hiện các biện pháp chuyển đổi tế bào gốc đa năng (iPS) từ các tế bào da ban đầu của một bệnh nhân mắc chứng nhỏ đầu. Sau đó, những tế bào gốc đa năng được nuôi dưỡng trong một môi trường đặc biệt nhiều chất dinh dưỡng để phát triển thành tế bào não.
Theo TS. Juergen Knoblich từ Viện Công nghệ sinh học phân tử Vienna, kỹ thuật này sẽ giúp nghiên cứu những tính năng cụ thể của não bộ và tìm hiểu sâu hơn về những chứng rối loạn phổ biến như chứng tâm thần phân liệt và bệnh tự kỷ.
Tế bào gốc lấy từ phôi người nhân bản
Các nhà nghiên cứu từ ĐH Y tế và Khoa học Oregon (Mỹ) tuyên bố đã tạo thành công tế bào gốc phôi thai người bằng kỹ thuật nhân bản vô tính tế bào da người. Họ lấy các tế bào da trên cơ thể một người trưởng thành rồi đặt nhân của tế bào vào bên trong trứng mà họ đã bỏ nhân. Sau đó, họ dùng điện để kích thích trứng phát triển thành phôi thai. Kết quả cho thấy, những tế bào gốc đó có thể biến thành mọi loại tế bào như tế bào thần kinh, tế bào gan và tế bào tim, do đó, kỹ thuật nhân bản trên có thể được sử dụng nhằm phát triển các mô thay thế và các cơ quan khác để điều trị bệnh, như giúp con người phục hồi những tổn thương ở tim hoặc dây thần kinh cột sống.
Phát hiện về lý do thực sự khiến con người cần giấc ngủ
Bằng một loạt các thí nghiệm được tiến hành trên chuột, các nhà khoa học đã nhận biết được lý do sinh học quan trọng nhất khiến con người cần đi ngủ. Đó là do cơ chế làm sạch bộ não. Khi bộ não chìm vào giấc ngủ, các kênh liên kết giữa các nơron được mở rộng và cho phép dịch não tủy lưu thông nhiều hơn, từ đó giúp làm sạch bộ não và làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Ý kiến bạn đọc