Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Đăng lúc: Thứ năm - 18/10/2018 14:32 - Người đăng bài viết: Lưu Văn Sơn
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (còn được gọi tắt là COPD – bệnh COPD) là một bệnh phổi có tắc nghẽn đường thở kéo dài, và điều rất đáng tiếc là sự tắc nghẽn đường thở này không hồi phục được hoàn toàn. Điều này có nghĩa, người bị bệnh COPD sẽ mang bệnh suốt đời. Tuy nhiên, với những tiến bộ hiện nay có thể giúp những người đang tiếp xúc các yếu tố nguy cơ có thể tránh mắc bệnh, những người đã mắc bệnh khi được tư vấn và điều trị đầy đủ sẽ có cuộc sống tốt hơn, bệnh tiến triển chậm hơn...
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì ?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (còn được gọi tắt là COPD – bệnh COPD) là một bệnh phổi có tắc nghẽn đường thở kéo dài, và điều rất đáng tiếc là sự tắc nghẽn đường thở này không hồi phục được hoàn toàn. Điều này có nghĩa, người bị bệnh COPD sẽ mang bệnh suốt đời. Tuy nhiên, với những tiến bộ hiện nay có thể giúp những người đang tiếp xúc các yếu tố nguy cơ có thể tránh mắc bệnh, những người đã mắc bệnh khi được tư vấn và điều trị đầy đủ sẽ có cuộc sống tốt hơn, bệnh tiến triển chậm hơn.

Tổn thương phổi trong bệnh COPD ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ có đường kính nhỏ hơn 2mm, và nhu mô phổi, tuy nhiên, ở những giai đoạn nặng, bệnh không chỉ gây tổn thương ở phổi và phế quản mà còn gây tổn thương trên tất cả các cơ quan, bộ phận của cơ thể như ở tim, cơ, xương, tâm thần….

COPD là bệnh rất thường gặp cả trên thế giới và ở Việt Nam
COPD là bệnh thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến năm 1997, toàn thế giới có khoảng 300 triệu người mắc COPD. Bệnh được xếp hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong. Dự đoán trong thập kỷ này số người mắc bệnh sẽ tăng lên gấp 3 – 4 lần và gây ra khoảng 2,9 triệu người chết mỗi năm. Dự báo đến năm 2020 bệnh sẽ đứng hàng thứ 5 trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

COPD là căn bệnh gây nhiều tốn kém về chi phí y tế cũng như tổn thất về sức lao động của toàn xã hội. Phân tích các số liệu thống kê về gánh nặng kinh tế của COPD ở một số nước và một số khu vực cho thấy chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến bệnh rất lớn.

Ở Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc COPD chung cho cả hai giới là 4,2%. Tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực miền Bắc cao hơn ở miền Nam. Theo Phó Giáo sư Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ mắc COPD trong dân cư thành phố Hà Nội là 2%, ở Hải Phòng là 5,65%. Như vậy, cứ 100 người dân sẽ có 2 – 6 người mắc CỐP. Trong lĩnh vực điều trị tại bệnh viện, COPD cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi. Tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc CỐP vào điều trị hàng ngày chiếm ¼ số bệnh nhân nằm điều trị.

Tỷ lệ mắc COPD thực tế còn cao hơn (nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán) do nhiều bệnh nhân không thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, thậm chí cả với những trường hợp hút thuốc lá, thuốc lào, nay xuất hiện ho khạc đờm kéo dài, những đối tượng này thường nghĩ đơn giản là ho xuất hiện ở người hút thuốc lá thuốc lào là bình thường. Bên cạnh đó còn có số lượng không ít các bệnh nhân bị bỏ sót do bệnh không được phát hiện một cách hệ thống ở các cơ quan xí nghiệp và thậm chí cả ở phòng khám của bác sĩ.

Bệnh COPD đang gia tăng nhanh chóng
Không chỉ là bệnh thường gặp, tỷ lệ mắc COPD hiện đang gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, COPD đang đứng hàng thứ 6 trong 10 bệnh thường gặp nhất, tuy nhiên, trong thời gian tới, trong khi tất cả các nguyên nhân khác đều có tỷ lệ tử vong giảm dần, thì COPD cùng với tai nạn giao thông và ung thư là 3 nguyên nhân duy nhất có tỷ lệ tử vong gia tăng và dự báo đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do COPD đứng hàng thứ 3 trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong.

Những ai có thể mắc bệnh COPD ?
Ai cũng có thể mắc bệnh COPD, tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh tăng lên nhiều lần ở những người có các yếu tố sau:

  • Các yếu tố từ bản thân, bên trong mỗi người: các thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin
  • Các yếu tố từ bên ngoài môi trường: hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp.

Trong số các nguyên nhân nêu trên, thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân nghiêm trọng nhất, gây bệnh COPD ở hơn 90% các trường hợp, tuy nhiên, các bạn cần lưu ý: không phải tất cả những người hút thuốc đều mắc COPD. Khoảng 20 – 30% số người hút từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh COPD.

Bệnh COPD do tiếp xúc bụi nghề nghiệp gặp ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân làm việc tại các xưởng đúc, xưởng luyện kim, công nhân xây dựng, thợ dệt, nông dân… là những người phơi nhiễm thường xuyên với các yếu tố kích thích phế quản, họ có nguy cơ cao bị mắc COPD. Các yếu tố gây bệnh có thể là: khí độc, xi măng, các sản phẩm của than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp. COPD liên quan đến yếu tố nghề nghiệp tiến triển nhanh và nặng hơn so với bệnh COPD do khói thuốc lá, thuốc lào.

Yếu tố khác như ô nhiễm đô thị và ô nhiễm trong nhà không phải là các nguyên nhân trực tiếp tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh.

Những dấu hiệu của bệnh COPD
Những dấu hiệu gợi ý xuất hiện bệnh ở những đối tượng này bao gồm: ho thúng thắng hoặc thành cơn, khạc đờm kéo dài về buổi sáng, hoặc những người có tiếp xúc thường xuyên yếu tố nguy cơ có biểu hiện mệt nhanh khi đi bộ, hoặc làm việc cùng người khác. Dấu hiệu khó thở thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Cần lưu ý, không nên xem nhẹ những biểu hiện ho, khạc đờm vào buổi sáng ở những người đang hút thuốc, không nên nghĩ rằng ho là biểu hiện thông thường ở người hút thuốc, vì như vậy sẽ bỏ sót chẩn đoán bệnh COPD, đến khi xuất hiện khó thở gắng sức, khó thở thường xuyên hoặc khi thay đổi thời tiết mới đi khám bệnh thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, chức năng phổi đã suy giảm nhiều, do vậy việc điều trị thường ít mang lại hiệu quả.

Bệnh nhân có bệnh COPD thường có lồng ngực căng tròn, nếu đo kích thước lồng ngực ở chỗ rộng nhất theo chiều trước sau sẽ thấy bằng hoặc lớn hơn kích thước theo chiều ngang (trong khi ở người bình thường có kích thước lồng ngực theo chiều ngang lớn hơn chiều trước sau) và được gọi là lồng ngực hình thùng. Có tình trạng này là do lòng các nhánh phế quản nhỏ ở người bệnh COPD bị tắc hẹp thường xuyên, không khí vào phổi được, nhưng đến khi thở ra, đường thở bị tắc, gây nên ứ khí trong phổi.

Trong giai đoạn nặng của COPD, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên, bên cạnh đó, do vách các phế nang (túi chứa khí của phổi) cũng bị phá hủy, lại càng làm cản trở sự trao đổi khí do vậy làm nồng độ khí oxy trong máu bệnh nhân bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan đặc biệt là tim.

Những bệnh nhân đã có suy hô hấp, thông thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, người bệnh ít đi lại, chủ yếu sống trong nhà, giao tiếp xã hội bị hạn chế, chất lượng công việc, tình cảm của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… về lâu dài, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác cô đơn, cảm giác mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội… do vậy có thể gây trầm cảm… Bên cạnh đó, khoảng 60% các bệnh nhân COPD có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 giờ/ ngày, càng làm gia tăng tình trạng trầm cảm của bệnh nhân.

Các giai đoạn của bệnh COPD
Việc phân chia giai đoạn của các bệnh nhân COPD dựa chủ yếu vào kết quả đo chức năng thông khí phổi. Nhìn chung, ở những giai đoạn khác nhau, các bệnh nhân COPD sẽ có tình trạng viêm niêm mạc đường thở, tái cấu trúc đường thở, phá hủy cấu trúc nhu mô phổi ở các mức độ khác nhau.

Bệnh COPD được chia thành 4 giai đoạn
COPD giai đoạn I – II: ở giai đoạn này người bệnh hay có biểu hiện ho, có thể xuất hiện khó thở khi tiếp xúc các yếu tố nguy cơ như khi hút thuốc, hít phải khói thuốc, khói bếp, hoặc khi thay đổi thời tiết.

Giai đoạn III – IV: giai đoạn này tương ứng với COPD giai đoạn nặng hoặc rất nặng. Bệnh nhân có khó thở khi gắng sức, những trường hợp nặng (giai đoạn IV), người bệnh có khó thở khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục. Các biểu hiện khác kèm theo như có thể thấy phù chân, tím môi

COPD tiến triển nhanh hay chậm ?
Bệnh COPD tiến triển từ từ và thầm lặng, nhiều bệnh nhân không biết mình đang bị bệnh cho đến khi xuất hiện khó thở, họ mới đi khám, khi đó bệnh đã ở giai đoạn nặng. Bệnh thường tiến triển nặng lên rất nhanh mỗi khi có đợt cấp do bội nhiễm hoặc tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ (bệnh nhân thường có các biểu hiện ho tăng, khạc đờm tăng, đờm có màu vàng, màu xanh, đục như mủ, hoặc bệnh nhân có sốt). Nhiều thầy thuốc cho rằng, bệnh COPD mỗi khi có đợt cấp do bội nhiễm có tiên lượng nặng hơn cả nhồi máu cơ tim.

Bệnh nhân có bệnh COPD hiện đang hút thuốc hoặc có tiếp xúc với khói thuốc, khi ngừng hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc thì tiến triển của bệnh chậm lại đáng kể, nhiều trường hợp, khi ngừng hút thuốc, bệnh nhân có thể hoàn toàn ổn định và tránh được nhập viện trong thời gian dài. Những bệnh nhân COPD tiếp tục hút thuốc, các triệu chứng như ho, khó thở, khạc đờm xuất hiện nhiều hơn, mức độ khó thở nặng hơn, bệnh nhân hay có những đợt cấp cần nhập viện hơn, bên cạnh đó, những đợt cấp thường nặng hơn so với những trường hợp COPD dừng hút thuốc. Nhìn chung, những bệnh nhân COPD không dừng hút thuốc, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối nhanh chóng, ở giai đoạn này, người bệnh thường có biểu hiện phù chân, khó thở thường xuyên. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường hay xuất hiện những đợt cấp có khó thở nặng hoặc nguy kịch, đến mức có thể gây tử vong.

Bệnh COPD có thể chữa khỏi được không ?
Trước hết cần khẳng định: COPD là bệnh có thể dự phòng và điều trị được, tuy nhiên, cần lưu ý, bệnh không chữa khỏi hoàn toàn được, bệnh khi đã được phát hiện sẽ tiếp tục tiến triển nặng dần. Việc điều trị bệnh sẽ giúp làm chậm lại tốc độ tiến triển nặng lên của bệnh thông qua việc dùng thuốc đúng cách và đầy đủ, tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào. Bệnh nhân COPD và người nhà bệnh nhân cần lưu ý, không chỉ ngừng hút thuốc, mà cần tránh cả hít phải khói thuốc do người khác hút rồi thải ra (hút thuốc thụ động). Khi tránh được các yếu tố nguy cơ, niêm mạc đường thở của bệnh nhân không bị kích thích thường xuyên, tình trạng viêm niêm mạc đường thở do vậy được giảm đi, bệnh nhân sẽ ít khạc đờm hơn, ít ho hơn, và bớt khó thở hơn.

Nếu bệnh nhân COPD không tránh được các yếu tố nguy cơ thì sao ?: vẫn tiếp tục hút thuốc, vẫn hít phải khói thuốc của người bên cạnh, tiếp tục hít phải khói bếp than… khi đó, niêm mạc đường thở của bạn sẽ thường xuyên bị kích thích, niêm mạc bị viêm, phù nề ngày càng nhiều, dịch nhầy tiết ra ngày càng nhiều, cơ trơn phế quản bị co thắt thường xuyên, bệnh của bạn ngày càng nặng thêm, trên, bạn sẽ thường xuyên có biểu hiện ho cơn, khó thở…lâu ngày, lồng ngực bị ứ khí thường xuyên và trở nên căng phồng.

Tóm lại
– Bệnh CỐP rất thường gặp, ở Việt Nam, cứ mỗi 100 người sẽ có 2 đến 6 người có bệnh COPD
– Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, bụi nghề nghiệp…
– Các biểu hiện chính của bệnh bao gồm: ho kéo dài, khạc đờm kéo dài. Dấu hiệu khó thở thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh
– Bệnh bao gồm 4 giai đoạn
– Bệnh tiến triển chậm và liên tục, việc tránh yếu tố nguy cơ giúp làm chậm lại mức độ tiến triển xấu đi của bệnh


Nguồn tin: Theo BV Bạch Mai
Từ khóa:

tắc nghẽn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 362
  • Khách viếng thăm: 356
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 41214
  • Tháng hiện tại: 1829958
  • Tổng lượt truy cập: 46021673