Hoạt động chương trình phòng chống lao của bệnh viện năm 2013

Đăng lúc: Thứ tư - 26/03/2014 06:09 - Người đăng bài viết: Nguyễn Công Mạnh
Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có khoảng 180.000 người mắc bệnh lao và gần 30.000 người chết do lao. Chương trình chống Lao Quốc gia phát hiện được khoảng 100.000 bệnh nhân lao mỗi năm, và chữa khỏi cho hơn 90% số bệnh nhân trong số đó.
Hoạt động chương trình phòng chống lao của bệnh viện năm 2013

Hoạt động chương trình phòng chống lao của bệnh viện năm 2013

Như vậy, tình hình bệnh lao vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khi mà tính trung bình cứ 20 phút có 1 người chết vì bệnh lao, và hàng năm vẫn còn 80.000 bệnh nhân lao chưa được phát hiện và quản lý điều trị. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở mức cao, khoảng 5.000 - 6.000 người. Thực trạng này đòi hỏi công tác phát hiện, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh lao cần được ngành y tế quan tâm, đầu tư hơn nữa, bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia vào công tác phòng chống lao trong cộng đồng.

 Đến Bệnh viện Phổi Hà Nội, bệnh nhân được đón tiếp, hướng dẫn khám bệnh một cách khoa học, không còn phải xếp hàng, đợi chờ lâu. Cải tiến phong cách làm việc, thái độ tiếp đón, phục vụ bệnh nhân ngay từ khâu đầu, cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân là những yếu tố quan trọng, giúp cho bệnh viện Phổi Hà Nội tạo dựng được niềm tin ở bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân không ngại giấu bệnh, ngại đi khám, mà đã chủ động đến viện khám, điều trị. Kết quả này không chỉ thể hiện chất lượng và uy tín ngày một đi lên của Bệnh viện Phổi Hà Nội, mà còn đóng góp một phần không nhỏ trong hiệu quả chung của Chương trình phòng chống lao trên địa bàn thủ đô, khi mà bệnh lao vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Trong những năm qua, Chương trình chống lao quốc gia ở thành phố Hà Nội tiếp tục được duy trì và phát huy tốt kết quả đã đạt được từ giai đoạn trước. Đến nay, mạng lưới chống lao của Hà Nội đã phát triển từ thành phố đến 29 quận, huyện, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Riêng trong năm 2013, chương trình chống lao trên địa bàn Hà Nội đã khám cho trên 85 nghìn người nghi nhiễm lao tạo các tuyến. Bệnh viện Phổi Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt khám phát hiện chủ động tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội của thành phố, trại giam, trại tạm giam, và  một số quận huyện, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân thành phố được khám phát hiện bệnh lao. Công tác truyền thông được tăng cường, để người dân và toàn xã hội nhận thức đúng về thực trạng, căn nguyên và mức độ nguy hiểm của bệnh lao. Thông qua công tác truyền thông, mỗi người dân tự ý thức phòng chống căn bệnh này và huy động được tốt hơn nguồn lực xã hội tham gia vào phòng chống lao.

Toàn thành phố đã xét nghiệm phát hiện cho 31.444 người nghi lao đến khám, trong đó kết quả dương tính là 2.299 người. Riêng tại Bệnh viện Phổi Hà Nội trong năm qua đã xét nghiệm cho 17.690 người với số ca dương tính là 1.665 ca. Tỷ lệ điều trị khỏi đối với thể dương tính mới đạt 92,9%, cao hơn 0,7% so với năm 2012.

Nhờ việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác với các tổ chức y tế trên thế giới, vì vậy tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhiều kỹ thuật tiên tiến để phát hiện và điều trị cho bệnh nhân lao đã được ứng dụng. Đó là những trang bị kỹ thuật hiện đại, đảm bảo công tác xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, nuôi cấy, định danh vi khuẩn phục vụ chẩn đoán và điều trị cho toàn bệnh viện và hỗ trợ chẩn đoán cho các quận huyện. Tiêu biểu là kỹ thuật GeneXpert, một loại kỹ thuật sinh học phân tử xác định nhanh vi khuẩn lao, và cho biết tình trạng kháng thuốc chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, cho kết quả chính xác hơn với các phương pháp khác, và việc thực hiện cũng đơn giản hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chẩn đoán, điều trị lao tại các tổ chống lao tuyến quận huyện; góp phần đáng kể trong việc phát hiện sớm bệnh để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Kỹ thuật GeneXpert xác định nhanh vi khuẩn lao

Trong Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, giảm số người bị mắc bệnh lao, chết do lao và giảm sự lây nhiễm bệnh lao để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh lao dưới 20/100.000 người dân vào năm 2030. Để chương trình chống lao quốc gia trên địa bàn thủ đô tiếp tục đạt hiệu quả, ngành y tế Hà Nội luôn chú trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vận động cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi bệnh lao. Một số mục tiêu hoạt động của chương trình chống lao Hà Nội năm 2014 đã được ban chủ nhiệm chương trình xác định cùng những biện pháp triển khai cụ thể, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc người bệnh lao; tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, củng cố, hỗ trợ giúp đỡ tuyến dưới, tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ làm công tác chống lao tại các tuyến. Bên cạnh đó sẽ tăng cường sự phối kết hợp của các cán bộ y tế thuộc chương trình chống lao và không thuộc chương trình chống lao, nhằm phát triển mạnh hơn công tác xã hội hóa trong phòng chống bệnh lao; phát triển màng lưới cộng tác viên giám sát hỗ trợ điều trị bệnh nhân lao; tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng.

Nguồn tin: phoihanoi.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 525
  • Khách viếng thăm: 524
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 112169
  • Tháng hiện tại: 2891571
  • Tổng lượt truy cập: 43926612