Ngăn chặn và quản lý bệnh lao kháng đa thuốc

Đăng lúc: Thứ tư - 26/03/2014 06:18 - Người đăng bài viết: Nguyễn Công Mạnh
Ngăn chặn và quản lý bệnh lao kháng đa thuốc

Ngăn chặn và quản lý bệnh lao kháng đa thuốc

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở nước ta tình trạng lao kháng đa thuốc có xu hướng gia tăng. Việt Nam đứng thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc trên toàn cầu, cứ 3 người mắc bệnh lao thì 1 người bị kháng thuốc. Thời gian qua, nhờ tăng cường năng lực kỹ thuật và nguồn nhân lực, bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội đã từng bước kiểm soát và quản lý tốt những trường hợp lao kháng đa thuốc.
Cảnh báo lao kháng đa thuốc
Tại báo cáo của chương trình phòng chống lao thành phố Hà Nội, trong năm 2013, chương trình đã phát hiện được gần 4,9 nghìn bệnh nhân lao mọi thể (đạt 101 % chỉ tiêu năm), tỷ lệ khỏi đạt 92,2% (trong khi chỉ tiêu chiến lược quốc gia là 85%). Giám đốc BV Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường cho rằng, mắc bệnh lao đã nguy hiểm bởi nếu không được điều trị thì 50% trong số đó sẽ bị tử vong sau 5 năm nhưng với lao kháng đa thuốc, sự nguy hiểm còn lớn hơn nhiều. Khó khăn và thách thức lớn nhất đối với công tác phòng chống lao hiện nay là tỷ lệ người bị lao đa kháng thuốc ngày một gia tăng.

Từ năm 2011-2012, BV Phổi Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho khoảng 60 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, thì đến nay, con số này đã lên đến hơn 160 bệnh nhân (tăng gấp hơn 2,5 lần). Về nguyên nhân gây ra lao kháng đa thuốc có rất nhiều nhưng kết quả thăm dò từ các trường hợp hiện đang điều trị tại BV Phổi Hà Nội cho thấy, đa phần bệnh nhân không tuân thủ đúng theo nguyên tắc điều trị, dùng thuốc chống lao vài ba tháng, thấy khỏe hơn đã ngừng uống thuốc. Trong khi bệnh lao điều trị đầy đủ theo đúng phác đồ phải tiêm và uống thuốc đủ liệu (trong khoảng 8-9 tháng) dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Quá trình điều trị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức kháng thêm với cả kháng sinh thế hệ 2-loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

 Chi phí điều trị cho trường hợp kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường. Sử dụng thuốc điều trị lao kháng đa thuốc để chữa bệnh cũng đồng nghĩa với việc thêm nhiều tác dụng phụ không mong muốn, thời gian điều trị kéo dài (tối thiểu là 19 tháng). “Điều nguy hiểm nhất hiện nay là số bệnh nhân lao kháng thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc cho nhiều người khác. Chúng tôi đang mở rộng diện quản lý bằng cách phát hiện bệnh nhân lao đa kháng thuốc trong cộng đồng càng sớm càng tốt”, Giám đốc BV Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường nói.

Giám đốc BV Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường
Kết quả đáng khích lệ
Được phép của Bộ Y tế và Chương trình Chiến lược phòng chống lao Quốc gia, BV Phổi Hà Nội đã triển khai kỹ thuật mới hiện nay trên thế giới, đó là kỹ thuật GeneXpert - kỹ thuật sinh học phân tử xác định nhanh vi khuẩn lao và cho biết tình trạng kháng thuốc (Rifampicine) chỉ trong vòng 2 giờ. Thông qua kỹ thuật mới này, kết quả phát hiện bệnh nhân lao hay những trường hợp kháng thuốc chính xác hơn so với các phương pháp khác và việc thực hiện cũng đơn giản hơn. Nhờ đó, giúp cho BV đã triển khai thực hiện chương trình điều trị và quản lý người bệnh lao kháng đa thuốc theo đúng quy chuẩn.

Kkỹ thuật GeneXpert - kỹ thuật sinh học phân tử xác định nhanh vi khuẩn lao

Tính đến tháng 3 năm 2014, sau ba năm triển khai, BV Phổi Hà Nội đã thu nhận điều trị 89 bệnh nhân kháng đa thuốc được điều trị theo đúng phác đồ dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế và những người hỗ trợ. Việc điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc đòi hỏi nhân viên y tế chuyên trách tại các tuyến và những người hỗ trợ phải theo dõi sát người bệnh, phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc để có hướng xử trí, hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị, đồng thời người bệnh phải tuân thủ nghiêm túc các quy định theo hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo được tiêm và uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng liều, đều đặn và có những biện pháp phòng chống lây nhiễm thích hợp.
Tại BV Phổi Hà Nội, chúng tôi đã tiếp xúc với những bệnh nhân đang điều trị lao kháng đa thuốc. chúng tôi ghi lại những ý kiến của người bệnh như bệnh nhân P.X.T (49 tuổi ở quận Long Biên) cho biết.

Mắc lao nhiều năm nay, bệnh nhân P.X.T (49 tuổi ở quận Long Biên) đã điều trị nhiều lần không khỏi khiến sức khoẻ giảm sút, không làm được việc nặng - bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị lao kháng đa thuốc. Tuy chưa hết liệu trình điều trị nhưng người bệnh thấy thuyên giảm rất nhiều, tăng cân, không ho, không sốt và kết quả xét nghiệm nhiều tháng nay đã âm tính. Còn bệnh nhân P.V.K (41 tuổi ở Đông Anh) tâm sự, trước khi được điều trị kháng thuốc, tôi tưởng không thể sống được do liên tục ho ra máu, cơ thể sút cân nghiêm trọng, không đi lại được. Tuy nhiên, nhờ sự tận tình của các y bác sĩ và việc tuân thủ đúng hướng dẫn và phác đồ điều trị, hiện nay tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân K đã được cải thiện rất nhiều, sinh hoạt và làm việc bình thường.

Hiện BV Phổi Hà Nội là một trong 5 điểm điều trị trên toàn quốc không chỉ thu nhận bệnh nhân lao tại thành phố Hà Nội mà còn ở một số các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường nhấn mạnh, bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn, ít tái phát và phòng được vi khuẩn lao kháng thuốc được phát hiện và điều trị sớm theo đúng hướng dẫn. Điều quan trọng và cần thiết nhất là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Bên cạnh đó, khi có các dấu hiệu như: ho, khạc, đau ngực, ho ra máu…. không được chủ quan mà cần phải đến cơ sở chuyên khoa khám bệnh.

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 425
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 20
  • Hôm nay: 19690
  • Tháng hiện tại: 2577162
  • Tổng lượt truy cập: 74294747